Tết này, con sẽ về với mẹ.

Con còn nhớ, ngày bước vào trường thi đại học đầu tiên, trong túi mẹ con mình chỉ còn chẵn hai chục nghìn lẻ. Nếu như các bạn đồng trang lứa chỉ lo có đậu vào trường mình mong muốn hay không, thì đối với con, gánh nặng cơm áo gạo tiền chất chứa trên vai.
Tết này, con sẽ về với mẹ

 Lúc đó con đã nghĩ, tuy học lực có khá, nhưng sẽ làm dưới sức mình để về nhà, rồi tự làm một nghề nghiệp mưu sinh nào đó. Mẹ nắm lấy vai con, đôi mắt nhòe nước ,cố gạt bỏ suy nghĩ ngây dại đó: “Chúng ta muốn thoát nghèo, phải có học thức sau này mới kiếm được công việc ổn định. Con phải cố gắng lên!”
Nói rồi, mẹ dắt chiếc xe cà tàng để lên vỉa hè, trông ngóng chờ con thi xong môn đầu tiên, cả buổi trưa không ăn được gì. Dù lúc đó, nụ cười của mẹ tươi rói trên môi khi trao cho con hộp cơm mười lăm ngàn, nhưng có cái gì nghẹn ngào ở cổ họng, không nuốt trôi được.
Năm đó, con thi đậu với điểm số khá ấn tượng. Ngày con lên đại học, mẹ bán đi chiếc xe để trang trải học phí. Nửa năm sau, trong nhà cả chiếc ti vi cũng bán đi, khi biết tin học phí trong trường con lại tăng lên theo từng đợt.
Ở làng quê nghèo này, số người đỗ đạt không được nhiều. Những ngày bước vào cuộc sống hoa lệ trên thành phố, con đi học bằng một chiếc xe đạp cũ rích. Một ngày, con bị người giữ xe giở giọng khinh bỉ:
- Đi xe đạp mà dám để ở chỗ có xe tai-ga! – Ông ta khó chịu chì chiết, mùi thuốc lá từ miệng làm con choáng váng đầu óc.
Là một thằng con trai mười chín tuổi đầu, lúc nào cũng chỉ biết ngửa tay xin tiền mẹ, khiến lòng tự trọng của con như bị tổn thương quá nửa. Mẹ đã lo lắng cho con nhiều như thế, cứ mỗi lúc về nhà là mỗi lúc thấy đồ đạc bị bán đi, cả chiếc bàn gỗ mẹ rất quý cũng phải cầm để có tiền gửi lên đều đặn cho con. Con lao vào kiếm việc làm thêm, từ sáng đến tối mịt, về nhà nặng nhọc đánh tròn một giấc.
- Mẹ à, tết năm nay con về quê! Mẹ chỉ cần nấu món chè đậu đen cho con là được.
Đôi khi vì quá chán nản, giọng con buồn rầu gọi điện cho mẹ. Nghĩ đến cảnh về quê, được mẹ nấu cho bát chè lành lạnh, con cảm thấy ấm áp trong lòng, không khỏi mong ngóng đến ngày trở về.
- Ừ, mẹ đợi con về. Về nhanh nhanh, con nhé !
Suốt bốn năm đại học, bốn cái Tết, con đều xách balo đến bến xe, hòa mình trong không khí rạo rực của những người con xa xứ. Mẹ đợi ở nhà, cùng nồi chè quen thuộc, đôi mắt nheo lại khi mỉm cười.Con ngả ngả người xuống, tâm sự cả một đêm không dứt cùng với mẹ.
Con lớn lên, sau khi tốt nghiệp đại học với điểm số xuất sắc. Cuộc đời và lối sống thành thị dạy con biết nhẫn nhịn, kiên trì, dần dần để đạt đến mục đích. Con được làm thực tập cho một ngân hàng danh tiếng trong nước, và chỉ chưa đầy ba tháng, họ nhanh chóng gọi điện giữ chân con lại. Vừa nghe được mức lương khởi đầu, con không dám tin, lại vượt cả con số một chục triệu.
So với việc nghỉ học đại học mưu sinh, mẹ đã hướng cho con đường đi tươi sáng hơn!. Giờ đã có đủ tiền, con biết, mình sẽ chẳng bao giờ phải lăn tăn chuyện chạy xe đạp đi học như trước, và ánh mắt người đời sẽ nhìn con trọng vọng hơn.
Rồi con quen cô ấy. Người đó gia cảnh khá giả, tài năng, xinh đẹp và tự tin. Chúng con kết hôn với nhau sau 3 tháng hẹn hò, và gia đình cô ấy đặt vấn đề phải tổ chức hôn lễ thật hoành tráng. Lại một cái Tết nữa con về nhà, gọi điện thoại trước cho mẹ. Mẹ vẫn ngóng trông ở ngoài hiên như mọi lần, vừa nhìn thấy vợ chồng con, nụ cười như chan hòa dưới ánh nắng.
- Mẹ làm chè đậu đen này! Hai con vào ăn đi!
Lần này, mẹ cũng bất ngờ với sự thay đổi của con. Con gầy đi, cao hơn, khi về không còn là xe đò như ngày nào, mà thay vào đó là chiếc xe hơi sang trọng.
- Không. Bọn con đón mẹ lên thành phố dự tiệc. Còn chè đậu đen, con không ăn đâu, tụi con no rồi!
Sở dĩ, con chỉ lưu lại chút thời gian ít ỏi về nhà, vì gánh nặng công việc đè nặng trên vai. Thậm chí, gia đình, mẹ, món chè sở trường của mẹ, con cũng chẳng hề để tâm tới, giống như chỉ là vệt mờ tồn tại trong kí ức. Ngày làm đám cưới ở nhà hàng sang trọng, mẹ vẫn mặc đồ rất giản dị, khiến con tỏ thái độ tức giận. Mẹ lủi thủi đi về khi đám tiệc kết thúc, ngoái đầu ra sau, chỉ thấy con cười nói với quan khách,hoàn toàn không để tâm đến.
Con từng đặt vấn đề xây sửa lại căn nhà ở quê, nhưng mẹ không đồng ý, chỉ muốn mọi thứ vẫn y chang như cũ. Lần này, ở công ty, con nhận được điện thoại mẹ, khuôn giọng trầm buồn:
- Tết này, con có về không?
Chẳng hiểu sao, con cảm thấy ngờ ngợ không quen. Khi xưa là con toàn gọi điện về cho mẹ, lần này, lại là mẹ hỏi câu này, tựa hồ không biết làm sao.
Nhưng bố vợ con muốn kì này cả gia đình đi nghỉ ở Úc, cho nên con không dám từ chối, bèn nói với mẹ:
- Tết này, con không về được, mẹ ơi!
Đã 3 năm trôi qua, kể từ ngày Tết ấy con nói không về quê với mẹ. Con luôn viện cớ đi công tác, đi du lịch, còn nhiều việc phải lo…
Không có gì tàn nhẫn hơn thời gian, nó khiến con quên đi mọi kỉ niệm về làng quê nghèo, về mẹ, về những lần tâm sự không dứt trong đêm. Con không trở thành nô lệ của đồng tiền, nhưng đồng tiền có ma lực chi phối con rất mạnh.
Lại thêm một cái Tết trôi qua, con không về. Mẹ dần dần cũng không gọi điện nữa.
Trong cái không khí se lạnh của những ngày cuối năm, con ngồi bên gia đình, trong căn nhà rộng rãi cùng xem ti vi. Bỗng nhiên, như một đoạn phim quay chậm, con nhớ lại cảnh mẹ một mình trong căn nhà nhỏ. Cảm giác lạnh lẽo không nói lên lời, nếu đổi lại là con, con sẽ làm gì khi không có ai ở bên?
Con gọi điện cho mẹ, chẳng hiểu làm sao tim bỗng nhiên đập mạnh trong lồng ngực. Lại là tiếng tút tút một hồi dài. Không ai trả lời.
Con cố bấm số đến lần thứ năm, thứ sáu nữa, mới có tiếng người bốc máy. Con hơi ngạc nhiên, đó là giọng nữ lanh lảnh, không phải là mẹ!
- Xin lỗi cô, cho con gặp mẹ chút được không ạ.
- À, cháu ơi, tôi chỉ là hàng xóm cạnh nhà bà ấy. Bà mẹ cháu bị tụt huyết áp mấy ngày nay, giờ đang ở bệnh viện. Chẳng lẽ, cháu chưa biết gì sao?
Tụt huyết áp?
Như một cú đấm mạnh từ đỉnh đầu, con chết lặng, vội vã rời khỏi nhà trong đêm.
Đường đi từ thành phố về quê rất dài, khói xe mù mịt. Ở trong xe hơi, con không ngừng dằn vặt bản thân. Mẹ ơi! Tại sao không ai gọi điện báo với con? Tại sao đến giờ này con mới biết?
Con bước đến trạm xá gần nhà, cảm thấy chân đi không vững. Mẹ nằm trên giường bệnh, mắt nhắm, tay phải truyền nước biển. Một vị bác sĩ già kể lại, vốn dĩ ông đã định thông báo cho con, nhưng mẹ ngăn lại, trước khi mất đi ý thức lần cuối.
- Bệnh này tôi bị lâu rồi…không sao đâu! Đừng làm phiền đến nó! Chỉ tĩnh dưỡng vài ngày…là khỏe lại thôi!
Con gục đầu xuống, khóc tu tu như một đứa trẻ. Con đã về với mẹ đây. Tại sao con lại tàn nhẫn với mẹ như thế? Chẳng phải trước đây, một tay mẹ nuôi con lớn, bù đắp tất cả cho con sau khi cha mất ư?
Sáng sớm, ánh nắng khẽ chiếu qua cửa sổ khiến con tỉnh giấc. Con ngồi cả đêm bên mẹ, bị mẹ vỗ nhẹ đầu, chợt mở mắt, vui sướng reo lên.
- Cuối cùng…con cũng về rồi à? – Mẹ chậm rãi nói, ánh mắt vẫn như đang cười.
Con gật đầu cảm tạ trời đất, chợt nhận ra trước đây mẹ vẫn thích giấu bệnh của mình. Bây giờ, đến sau này nữa, dù có bận bịu đến mấy con cũng sẽ không để mẹ phải cô đơn.
- Mẹ ơi, Tết năm nay, con sẽ về với mẹ! Dù cho con có bận thế nào, thì mọi ngày Tết con sẽ đều về nhà mình. Mẹ…mẹ phải tĩnh dưỡng cho thật tốt!
Con như kẻ ngủ mê được ngộ ra chân lí. Chỉ có ở bên mẹ, con mới nhận ra phần tối cô đơn nhất của bản thân được chìm xuống nhanh chóng. Thế mà con không thể nhận ra, lại làm những điều khiến mẹ buồn lòng. Mẹ không giận con, vẫn luôn luôn là vậy, đến cuối cùng vẫn chỉ mỉm cười.
- Năm nào, mẹ cũng chuẩn bị một nồi chè đậu đen, hy vọng con sẽ về ăn với nhà mình. Con về rồi, không còn sớm nữa, hai mẹ con cùng ăn chè đi!

Nguồn: Sưu Tầm

Đăng nhận xét

Tin liên quan

-->